Tổng thống Mỹ cũng đã ký, đạo luật cấm TikTok được áp dụng, giờ chuyện gì sẽ xảy ra?

Ngày:25/04/2024 lúc 14:35PM


Chỉ trong chưa đầy 5 ngày, đạo luật được chỉnh sửa với mã HR8038 đã được cả ba cấp lập pháp và hành pháp Mỹ thông qua. Từ hạ viện vào ngày 20/4, đến thượng viện ngày 23/4, rồi chỉ một ngày sau đó, 24/4, tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, tổng thống Joe Biden đã phê duyệt đạo luật này.

HR8038 kẹp những điều khoản cung cấp viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh của Mỹ, với những điều khoản nhằm mục đích kiểm soát những ứng dụng trực tuyến bị phía Mỹ coi là nằm dưới sự kiểm soát của các thế lực thù địch nước ngoài, vốn đã được giới thiệu từ khi HR7521 được thông qua hồi giữa tháng 3 vừa qua.

ByteDance giờ sẽ có 1 năm để tìm chủ mới cho TikTok Mỹ, chia thành 270 ngày, tương đương khoảng 9 tháng để hoàn tất thương vụ và 90 ngày để chính phủ Mỹ xác nhận thương vụ hợp lý. Nếu đến khoảng cuối tháng 1/2025 mà không tìm được chủ mới, TikTok sẽ bị dừng phân phối thông qua các nền tảng phân phối ứng dụng trực tuyến, tức là sẽ không còn những cập nhật mới thường lệ nữa. Sẽ tới lúc ứng dụng trong máy điện thoại của hơn 170 triệu dân Mỹ, vì không được cập nhật, nên sẽ không thể vận hành được nữa.

Nói một cách ngắn gọn thì đây là động thái ép ByteDance thoái vốn TikTok, để ứng dụng MXH này không còn ẩn chứa những nguy cơ về an ninh, có thể bị lợi dụng để Trung Quốc định hướng người dân Mỹ. Nhưng để đạt được điều này, cả những động thái của các cơ quan hành pháp lẫn thời gian để biến mục tiêu này trở thành hiện thực sẽ vừa phức tạp vừa lâu, chứ không đơn giản như một câu nói.

ByteDance chắc chắn sẽ kiện
Không chỉ nhờ tới bên tư pháp của Mỹ, kiện từ tòa án liên bang cho tới tận tòa án tối cao Hoa Kỳ, trên quan điểm đạo luật mới này dựa trên quan điểm Mỹ đang lợi dụng những lo ngại về an ninh quốc gia để vi phạm quyền tự do ngôn luận của hàng trăm triệu người Mỹ.
Cùng lúc, phía Trung Quốc cũng sẽ có những động thái phản đối và ngăn chặn. Tháng 8/2020, Bắc Kinh đã có đạo luật mới kiểm soát những tài sản của các tập đoàn Trung Quốc, được coi là những dạng “tài sản công nghệ bị cấm hoặc giới hạn xuất khẩu”. Trong số đó bao gồm cả những thuật toán, cụ thể hơn là “những dịch vụ khuyến nghị thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu.” Câu này mô tả hoàn hảo thuật toán đang sử dụng để khuyến nghị nội dung trên TikTok.

Điều này hoàn toàn có nghĩa, TikTok Mỹ có thể chuyển giao cho đơn vị khác, ByteDance thoái vốn, nhưng nó sẽ không bao gồm thuật toán đã khiến MXH này bùng nổ và thành công như hiện nay.
Rồi rắc rối tiếp theo sẽ là, đâu sẽ là đơn vị hoặc liên minh đủ nguồn lực tài chính mua lại TikTok Mỹ từ tay ByteDance, nếu tập đoàn này buộc phải thoái vốn sau khi khởi kiện bất thành, buộc phải tuân thủ theo quy định mới của Mỹ?

Vấn đề TikTok, nếu Mỹ thực sự thành công trong việc ép ByteDance thoái vốn, tòa án không còn gì phản đối, thì cũng phải mất vài tháng tới vài năm để đi đến kết luận cuối cùng. Trong khoảng thời gian ấy, TikTok vẫn được vận hành y hệt như hiện giờ ở Mỹ.
Châu Thụ Tư, CEO người Singapore của TikTok thì vừa đăng video mới, khẳng định rằng “hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi tự tin và sẽ tiếp tục chiến đấu vì quyền của các bạn ở tòa án.”

Đưa nhau ra tòa án
Jeff Kosseff, phó giáo sư ngành luật an ninh mạng ở học viện Hải Quân Mỹ cho rằng: “Tôi nghĩ có một điều là chắc chắn: Đó là kiện cáo.” Vụ kiện TikTok đưa chính quyền Mỹ ra tòa án chắc chắn sẽ dựa nhiều vào tu chính án thứ nhất, quyền tự do ngôn luận của mọi người dân Mỹ. Các luật sư của họ sẽ tranh luận rằng việc ép bán TikTok Mỹ cho chủ mới sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận, vì chủ mới hoàn toàn có thể thay đổi quy định sử dụng dịch vụ, quản lý nội dung, và nhào nặn lại trải nghiệm của người dùng, hiện tại vốn vô cùng tự do.
Michael Beckerman, phó chủ tịch quy định pháp lý của TikTok nói trong một cuộc phỏng vấn tuần trước: “May mắn là chúng ta có Hiến Pháp của nhà nước, và quyền tu chính án thứ nhất của mọi người là thứ vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho các bạn và tất cả mọi người dùng khác trên TikTok.”

Những nhóm hành động vì quyền lợi người dân, như American Civil Liberties Union, một trong những bên có tiếng nói phản đối đạo luật mới được thông qua rõ ràng nhất, có thể cũng sẽ tham gia vụ kiện cùng TikTok.
Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ cần một chiến lược tranh tụng hoàn hảo và chắc chắn, để chứng minh với thẩm phán rằng, việc ByteDance sở hữu TikTok là đủ để giới hạn quyền tự do ngôn luận để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trước đó không thiếu những lần TikTok giành chiến thắng trước tòa cũng với quan điểm và tranh tụng tương tự, dựa trên quyền tự do ngôn luận của mọi người. Khi tổng thống Trump ép ByteDance thoái vốn hồi năm 2020, một thẩm phán liên bang đã chặn đứng nỗ lực này vì cho rằng điều đó sẽ đóng cửa “một nền tảng chia sẻ quan điểm của mọi người.” Bang Montana cũng từng cố cấm TikTok trên phạm vi toàn bang vì chủ quản là một tập đoàn Trung Quốc, nhưng cũng có một thẩm phán liên bang khác hủy bỏ quyết định này vì lý do y hệt.
Chỉ có một giải pháp duy nhất để cấm TikTok trên phạm vi hẹp hơn tại Mỹ, đó là cấm cài ứng dụng này trên các thiết bị được chính phủ và chính quyền các bang cung cấp cho nhân viên làm việc.
 

Ai đủ khả năng mua lại?
Câu trả lời là rất ít. Những đơn vị thực sự có tiềm lực tài chính và thực sự cần đến TikTok thậm chí còn ít hơn. Các nhà phân tích đưa ra dự đoán, chỉ riêng TikTok Mỹ, cái giá phải trả để sở hữu nó đã ngót nghét hàng chục tỷ USD.
Bản thân ByteDance đang là một trong những startup công nghệ có giá trị cao nhất hành tinh, ước tính giá trị vốn hóa 225 tỷ USD theo CB Insights.
Mức giá cao chót vót sẽ giới hạn số cá nhân, doanh nghiệp hay liên minh đầu tư đủ khả năng chi trả mua lại TikTok. Những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Meta hay Google là những khả năng có tính khả thi, nhưng chắc chắn sẽ phải đối mặt với những lo ngại về cạnh tranh công bằng, rồi thương vụ cũng sẽ đổ bể.


Những quỹ đầu tư mạo hiểm cùng những nhà đầu tư có thể thành lập một liên minh để gom đủ tiền mua lại TikTok. Vài cái tên trong số đó bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Mỹ thời chính quyền Trump, Steven Mnuchin, hay thậm chí là cả cựu CEO Activision, Bobby Kotick cùng CEO OpenAI, Sam Altman, theo vài nguồn tin không chính thức.
Lần trước, khi tổng thống Trump ép ByteDance thoái vốn TikTok Mỹ, ByteDance đã đàm phán với Microsoft và Oracle. Từng có thời điểm liên minh Oracle và nhà bán lẻ khổng lồ Walmart dự định mua lại TikTok Mỹ, nhưng vì thẩm phán liên bang chặn quy định ép ByteDance thoái vốn, nên đàm phán đổ bể.
Quy trình thoái vốn phức tạp
Hãy lấy điều kiện lý tưởng (đối với chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ), là TikTok Mỹ buộc phải bán cho một bên khác, thì quy trình này cũng không dễ dàng một chút nào.
Quy định trong đạo luật mới nói rất rõ là sau khi thoái vốn, ByteDance và TikTok không còn được giữ bất kỳ mối liên hệ nào nữa. Nhưng những nhân viên của TikTok sử dụng phần mềm do ByteDance phát triển trong toàn bộ quy trình công việc và liên lạc phục vụ công việc của họ. Rồi đội ngũ nhân sự cũng trải khắp toàn cầu, với những vị giám đốc cấp cao hiện tại đang sống và làm việc ở Singapore, Dublin, Los Angeles và Mountain View, California.

Cũng chưa chắc chắn việc liệu ByteDance sẽ bán toàn bộ TikTok, ứng dụng vận hành toàn cầu ngoại trừ Trung Quốc (DouYin), hay chỉ bán mảng TikTok với các văn phòng làm việc tại Mỹ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, TikTok đang có khoảng 7 nghìn nhân viên.
Nếu chỉ bẻ TikTok Mỹ ra làm một mảng độc lập rồi bán đi, cũng sẽ rất khó khăn. Chỉ riêng bản thân thuật toán khuyến nghị nội dung, chìa khóa tạo ra thành công của TikTok trên toàn thế giới cũng chưa chắc đã có thể rơi vào tay liên minh mới làm chủ sở hữu TikTok Mỹ. Xin phép nhắc lại luật năm 2020 của Trung Quốc, cấm hoặc giới hạn việc xuất khẩu và chuyển giao những tài sản công nghệ, kể cả những thuật toán được các công ty Trung Quốc viết ra.
TikTok mà không có thuật toán ấy, liệu có ai còn cần tới ứng dụng này?
Vai trò khó dự đoán của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ có những tuyên bố, hay thậm chí là những động thái phản đối và ngăn chặn thương vụ này, nếu TikTok và ByteDance thất bại ở tòa án liên bang.
Khi đạo luật HR7521 được hạ viện Mỹ thông qua giữa tháng 3 vừa rồi, nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc cũng đã lên án đạo luật này, nhưng chưa đưa ra tuyên bố chính thức liệu có cấm ByteDance thoái vốn TikTok Mỹ hay không. Một năm trước, bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền nước này sẽ “phản đối mạnh mẽ” bất kỳ thương vụ bán ứng dụng nào của ByteDance.

Ở thái cực ngược lại, Trung Quốc cũng hoàn toàn có quyền lực áp dụng những biện pháp trả đũa lên các tập đoàn Mỹ đang kinh doanh tại nước này. Một ví dụ rõ ràng, chỉ ít ngày trước, cũng vì lý do “an ninh quốc gia”, Trung Quốc đã thành công trong việc ép Apple phải gỡ bỏ hai ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội của Meta, là Threads và WhatsApp khỏi App Store.
Lindsay Gorman, thành viên cấp cao tại quỹ đầu tư German Marshall Fund, chuyên trách đầu tư cho những startup công nghệ mới nổi tại Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc có cho phép ByteDance bán TikTok hay không, hiện giờ “là một kết luận không thể đoán trước.”

Dũng Phạm
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất